Hậu quả của những lời gièm pha
Trong cuộc sống, có một số người thường đứng ở “vị trí trung gian” để bôi nhọ tính cách người này, nói xấu sau lưng người khác. Những người này thường lấy “câu chuyện làm quà” để làm hài lòng người khác khi giao tiếp, trò chuyện. Dù bất cứ ở đâu, nhất là những lúc “trà dư tửu hậu”, họ đã phát huy triệt để khả năng “phân tích, mổ xẻ” của mình để phán xét người khác…
Tất nhiên, cái điều họ nói ra không phải bao giờ cũng tồi tệ, bởi họ biết khen, biết chê, biết cả điều hay lẽ phải của đối tượng họ đánh giá. Nhưng thông thường họ khen ít, chê nhiều theo kiểu “bới lông tìm vết”. “Cái thuốn” vô tình trong tay của họ thực chất là sự gièm pha hết sức tai hại. Nó tai hại ở chỗ:
Đối với người bị gièm pha. Đáng lẽ sự việc chỉ “cỏn con” thôi, song thông qua sự mổ xẻ, phân tích theo kiểu “chẻ sợi tóc làm tư” của kẻ đi gièm pha thì sự việc đó sẽ trở nên to tát, rắc rối và phức tạp. Bản thân người bị gièm pha dễ trở nên méo mó, biến dạng cả về năng lực, đạo đức, lối sống. Với con mắt dò xét, soi mói của kẻ đi gièm pha, người bị gièm pha đã bị xuyên tác, hạ bệ về uy tín, danh dự và không loại trừ cả về nhân phẩm nữa. Như vậy, người bị gièm pha đã bị “lệch chuẩn” về tâm hồn, tính cách, năng lực bởi kẻ gièm pha.
Đối với người nghe gièm pha. Tuy là người được tiếp nhận thông tin từ kẻ gièm pha, nhưng người nghe gièm pha cũng là “nạn nhân” của chính kẻ đi gièm pha. Bởi vì, hình ảnh của người bị gièm pha đã bị “nhào nặn” thông qua những lời “nhận xét, bình luận, đánh giá” đầy cảm tính chủ quan của kẻ gièm pha. Khi người nghe gièm pha được biết đối tượng bị gièm pha, ít nhiều họ sẽ có cái nhìn khác về người bị gièm pha. Nếu người nghe gièm pha nhiều mà không có đầu óc tỉnh táo, lý trí sáng suốt và bản lĩnh vững vàng thì chính họ đang bị kẻ đi gièm pha “đầu độc” một cách rất tinh vi, xảo quyệt.
Đối với kẻ đi gièm pha. Tác hại lời gièm pha của họ đối với người bị gièm pha và người nghe gièm pha không phải là nhỏ. Còn mỗi lời gièm pha tự thân đã là một sự nhỏ nhen, ích kỷ và mang nặng tính vụ lợi cá nhân. Trong con mắt mọi người, kẻ hay đi gièm pha là một người “ngồi lê mách lẻo”, “chọc gậy bánh xe”, “đâm bị thóc, chọc bị gạo”… Tâm hồn họ đã bị “ô nhiễm” bởi các loại bụi bặm, nhỏ nhoi, vụn vặt. Trái tim họ đã nhuốm màu xám, bởi cái nhìn thiển cận, hẹp hòi. Và dĩ nhiên, nhân cách của họ nào có cao đạo, sáng trong gì vì cái lối phô diễn, suy xét một cách thiếu khách quan, công tâm đối với người khác.
Trong cuộc sống và công tác, không phải ai và lúc nào cùng đều chỉn chu, hoàn thiện về mọi mặt. Sự khiếm khuyết, sai sót về việc này, việc nọ trong quá trình rèn luyện, phấn đấu để tiến bộ, trưởng thành dễ nhìn nhận. Bởi vì, quá trình học tập, sinh hoạt và làm việc là quá trình tu dưỡng để xây dựng và từng bước hoàn thiện nhân cách bản thân. Khi đồng chí, đồng nghiệp mắc khuyết điểm thì người có tấm lòng trong sáng và đức tính trung thực luôn chân thành, thẳng thắn đóng góp ý kiến trong các buổi sinh hoạt tự phê bình và phê bình. Ý thức và hành động đó thật đáng trân trọng, hoan nghênh. Còn những ai vì động cơ thiếu lành mạnh thì họ không ngần ngại nói lời gièm pha người này, người khác ở bất cứ chỗ nào khi họ muốn. Có thể nói, những lời gièm pha không chỉ là hành vi thiếu văn hóa, mà còn là một trong những nguyên nhân gây ra sự nghi kỵ, hiểu lầm lẫn nhau, làm mất đoàn kết nội bộ, ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển lành mạnh mỗi tổ chức, cơ quan, đơn vị. Do đó, mỗi chúng ta phải đề cao cảnh giác và kiên quyết loại bỏ những lời gièm pha ra khỏi đời sống văn hóa ứng xử hằng ngày.
# Hậu quả của những lời gièm pha, # gièm pha là gì