Còn ai muốn đọc sách ?
Đại thi hào Nga M.Gorki đã nói: “ Sách mở rộng ra trước mắt tôi những chân trời mới”. Sách là kho tàng chứa đựng biết bao sự hiểu biết của con người đã được khám phá, chọn lọc và tổng hợp lại. Mỗi cuốn sách hay và có giá trị sẽ giúp chúng ta có thêm sự hiểu biết về thế giới xung quanh, về những vùng đất mới với biết bao điều thú vị. Sách là nơi kết tinh những tư tưởng tiên tiến nhất của các thời đại, với bao khám phá mới mẻ, chứa đựng những hoài bão, tình cảm thiết tha của con người. Thế nhưng, khi thời đại công nghệ thông tin phát triển, những giá trị lớn lao đó của sách đã không còn thu hút, hấp dẫn giới trẻ nữa.
Ngày trước, sách là người bạn gối đầu giường. Việc đọc sách trở thành thói quen của nhiều người. Sách là nơi mọi người tìm hiểu về thông tin, tri thức, cập nhật tin tức, giải trí,… Đối với những đứa trẻ, có được cuốn sách để đọc là điều hạnh phúc. Đối với học sinh, có được cuốn sách để tham khảo, để học là trân quý.

Ngày nay thì sao? Chưa bao giờ sách được in ấn nhiều và đẹp như hiện nay. Thậm chí với sự phát triển của công nghệ đã ra đời cả sách điện tử – vô cùng thuận tiện, dễ dàng. Thế nhưng, giờ sách không còn là bạn, thay vào đó là những chiếc smartphone, máy chơi game. Thay vì dành thời gian đọc sách, mọi người lướt Facebook, Tiktok,… Chúng ta không còn nghĩ đến sách là nơi lưu phương tiện thông tin, là nơi tìm kiếm tri thức mà là “việc gì khó cứ để Google lo”. Hơn thế nữa, đọc sách bây giờ dường như theo trend, cuốn sách nào nổi, nhiều người nhắc đến thì mua. Hoặc thậm chí chỉ đơn giản mua sách về để trên kệ, trang trí phòng và hết. Lớp tôi đã từng trang trí lớp bằng những giá sách để thi đua chào mừng ngày 20/11 và giành được giải Nhất. Nhưng mỗi giờ ra chơi, hình ảnh tôi thấy không phải là các bạn cầm quyển sách đọc mà là cầm một chiếc điện thoại. Bạn thấy đó, sách ngay trước mặt mà còn không đọc huống chi là việc đi tìm hiểu sách, mua về và đọc. Theo một khảo sát gần đây, Việt Nam chỉ có 30% số người đọc sách thường xuyên, 26% không đọc sách và 44% thỉnh thoảng đọc sách. Còn theo số liệu khảo sát của Viện nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường về việc sử dụng thời gian rảnh để làm việc gì là chủ yếu, có đến 41,7% số bạn trẻ trả lời là lên mạng, 20% xem phim, 16,7% nghe nhạc và chỉ có 15% trả lời là đọc sách. Đồng thời, thời gian dành cho đọc sách của người Việt Nam khoảng một giờ, thuộc nhóm thấp nhất trên thế giới.
Thực sự văn hóa đọc của giới trẻ đang đang dần xuống cấp và đứng trước nguy cơ bị mai một. Nếu việc đọc sách là nhàm chán, không thú vị thì tri thức của chúng ta vô cùng hạn hẹp và nhỏ bé. Và nếu văn hóa đọc của giới trẻ không được cải thiện thì điều gì sẽ đến với tương lai của tri thức Việt?
Trên đây là quan điểm của mình từ việc nhìn nhận, trải nghiệm thực tế xung quanh, có thể nó không được toàn vẹn, bao quát nhiều. Hi vọng nhận được sự chia sẻ thêm của mọi người.