Tức giận và những tác hại của sự nóng nẩy, bực tức trong cuộc sống

Giận dữ (tức giận) là một loại cảm xúc của con người được bộc phát ra khi có những mối đe dọa tới lòng tự trọng, tính mạng, tài sản….

Mỗi người sẽ có cách nhìn nhận và đánh giá của riêng mình về các mối đe dọa, và những yếu tố có thể gây tổn hại tới bản thân. Cũng chính vì vậy mà cùng một vấn đề, sự kiện sẽ có người trở nên tức giân còn người khác thì không.

Tức giận
Tức giận

Cảm xúc tức giận gây ra nhiều vấn đề và hệ lụy cho bản thân. Câu thành ngữ ” giận quá mất khôn” chính là dùng để nói đến tác hại của việc nóng nảy, giận dữ. Tuy nhiên lại có một số người dùng cảm xúc bực bội của mình hướng vào người khác để xử lý vấn đề một cách hợp lý và hiệu quả.

Tại sao chúng ta lại tức giận, nổi nóng

Con người chúng ta luôn có những biểu hiện trạng thái cảm xúc khác nhau khi có tác động của hoàn cảnh, yếu tố bên ngoài để chúng ta thể hiện những trạng thái đó. Vậy chúng ta vì sao có cảm xúc giận dữ?

Nơi cảm xúc bắt đầu là từ não bộ của chúng ta. Trong cấu trúc bộ não của chúng ta có một hệ thống được gọi là limbic. Hệ thống này sẽ phân tích, diễn giải những tình huống phát sinh của chúng ta để thiết lập lên giai điệu của cảm xúc và gửi thông tin đến vỏ não để định hướng về cảm xúc và hành vi dẫn tới hành động của chúng ta. Cảm xúc được hình thành sơ khai từ cách chúng ta phân tích, suy nghĩ về tình huống, trải nghiệm của bản thân trong quá khứ lẫn hiện tại.

Cảm xúc giận dữ luôn hiện hữu trong mỗi chúng ta nếu xét về bản năng tự nhiên nhất của con người. Nó là sự phản ứng mạnh mẽ khi đối diện với sự việc mà não bộ chúng ta phân tích về sự không hài lòng, thỏa đáng, cảm thấy sự nguy hiểm. Tuy nhiên, trạng thái cảm xúc giận dữ không phải lúc nào cũng xấu. Nó thể hiện được cá tính của mình, sự phòng vệ, tính chiến đấu của bản thân.

Cảm xúc giận dữ không được thể hiện ra ngoài. Có thể do nhiều yếu tố ngoại cảnh mà cảm xúc giận dữ không được thể hiện rõ ràng ra ngoài. Nhưng nó có thể được thể hiện ở một vài hành động mang tính gián tiếp. Ví dụ thể hiện sự giận dữ một cách gián tiếp thông qua hành động đối với người thứ ba như than phiền, nói xấu, chỉ trích,…

Cảm xúc giận dữ được thể hiện ra ngoài khi người có cảm xúc này đối mặt trực tiếp với hành vi tác động. Nó được thể hiện một cách mạnh mẽ từ hành động từ thấp đến cao như cãi vã, đập phá đồ đạc, hoặc nặng hơn là làm bị thương người khác, hoặc gây thương tổn trực tiếp tới người khiến họ không thể kiềm chế cơn giận dữ.

Khi nào cảm xúc tức giận xuất hiện

Bị nói xấu sau lưng, bị gièm pha: Khi một người bị ai đó nói xấu sau lưng, bị gièm pha hay đại loại là những thông tin sai sự thật về mình, họ rất giễ tức giận và sẵn sàng tìm kẻ đặt điều,nói xấu mình để giải quyết, những trường hợp như vậy rất hay có những hành vi bạo lực.

Khi đang bế tắc trong cách xử lý một vấn đề nào đó: Khi một người nào đó đang gặp rắc rồi và họ đang tập chung để tìm cách giải quyết vấn đề của mình thì bất kỳ một tác động nào từ bên ngoài cho dù là rất nhỏ cũng sẽ khiến họ tức giận

Khi bị thúc dục, gấp gáp về mặt thời gian: Sẽ chẳng có ai có thể dễ chịu khi bị thúc ép liên tục, việc bị thúc ép liên tục cho chúng ta cảm giác gấp gáp về thời gian và sự khó chịu giống như việc bị làm phiền quá mức. Ở trong hoàn cảnh này người bị thúc dục có thể nổi cơn thịnh lộ bất kỳ lúc nào.

Bị trêu chọc, chế giễu: Những lời chế giễu, trêu chọc có thể gây ra những tổn thương cho người nghe, khi đó người bị chế giễu sẽ dễ bị kích động và nổi nóng. Vì vậy đừng vui quá đà dẫn đến mất kiểm soát trong những lời nói gây ra tổn thương về tinh thần cho người khác.

Bị làm phiền quá mức: Những vấn đề, sự kiện nào đó tác động trực tiếp với bạn với tần xuất liên tục sẽ làm bạn dễ dàng nổi cáu.
Ví dụ: Ngày nào bạn cũng nhận được cuộc gọi với nội dung hỗ trợ cho vay vốn… sẽ khiến một người mát tính cũng phải nổi cáu

Những người có tính khí nóng nảy, hay tức giận

Nếu bạn quen ai có tính khí thất thường (hay cáu gắt) thì người đó chưa chắc đã thông minh như họ vẫn thường nghĩ.

Đó là phát hiện trong nghiên cứu mới công bố trên Tạp chí Intelligence (hôm 21/07) của Marcin Zajenkowski (giáo sư tâm lý tại Đại học Warsaw, Ba Lan) cùng các cộng sự. Trao đổi với PsyPost, Zajenkowski cho biết: “Có một sự khác biệt đáng kể giữa nóng giận với các dạng cảm xúc tiêu cực khác như buồn bã, lo lắng hay tuyệt vọng; Bởi không giống các trạng thái trên, nóng giận đôi khi lại khiến người ta cảm thấy tự tin thái quá vào khả năng trí tuệ của bản thân.”

Mặc dù thường được xem như một đặc điểm thuộc về tính cách, nhưng nóng giận thực chất chỉ là một trạng thái cảm xúc nhất thời. Ngoài ra, nóng giận có thể cũng có mối liên hệ nào đó đối với một vài biểu hiện [trông có vẻ] tích cực bề ngoài, chẳng hạn sự lạc quan; Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ cơ chế nào khiến nóng giận có ảnh hưởng đến trí tuệ nhận thức. Zajenkowski và các đồng nghiệp nghi ngờ, rằng người dễ nổi nóng cũng thường có xu hướng hay tự đánh giá quá cao về bản thân.

Để kiểm chứng, nhóm nghiên cứu đã thực hiện một cuộc khảo sát đối với 520 sinh viên (ở bậc đại học) tại Warsaw; Người tham gia được cho trả lời những câu hỏi để xác định xem liệu họ có thường xuyên hay dễ nổi nóng, tiếp đó là một bản khảo sát khác để sinh viên tự đánh giá mức độ thông minh của mình, trước khi tham gia một bài test [khách quan]. Kết quả thu được rất đúng với giả thuyết, nhìn chung người hay nổi nóng cũng thường nghĩ mình thông minh so với khả năng thực tế; trong khi những ai bị rối loạn thần kinh (với các biểu hiện như lo âu vô cớ, kéo dài …) lại hay cho thấy biểu hiện tự ti.

Không quá ngạc nhiên khi nhóm của Zajenkowski còn phát hiện ra, rằng người nóng tính cũng dễ có nguy cơ cao rơi vào ảo tưởng “tự kỷ ám thị” – dẫn tới hay tự đề cao sự tài giỏi của bản thân, mặc dù chưa thể chứng minh giữa nóng nảy và thông minh có một mối liên hệ rõ ràng. Một vài nghiên cứu khác trước đây cũng chỉ ra, rằng tính nóng nảy, bằng cách nào đó, cũng đã có ảnh hưởng đến xu hướng “tự đề cao”, nhưng vẫn chưa rõ liệu đó có phải là quan hệ nhân – quả.

Một điểm hạn chế của nghiên cứu trên, đó là các tác giả chưa thể kiểm chứng được cơ chế khiến sự nóng giận đã có ảnh hưởng tới trí tuệ nhận thức trong những thời khắc con người thiếu suy xét; Hay liệu những người ít (hoặc không dễ) nổi cáu thường chỉ có biểu hiện tự tin thái quá vào trí tuệ bản thân trong lúc rối trí? Vì thế, Zajenkowski tin rằng, cần thực hiện thêm nhiều nghiên cứu bổ sung nhằm làm rõ những vấn đề này.

Nguyên nhân dẫn đến nóng tính, bực bội

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng những thay đổi cấu trúc hoặc hóa học bất thường của não có thể đóng một vai trò nào đó. Môi trường và di truyền cũng có liên quan mật thiết.

Môi trường sống

Trẻ em thường bắt chước các hành vi của người lớn, từ đó dần hình thành thói quen của mình. Trẻ em từng bị bạo hành có xu hướng thể hiện hành vi nóng tính cao hơn so với những trẻ được yêu thương và có những người chăm sóc hòa nhã.

Nếu chúng thấy người lớn có biểu hiện nóng tính từ sắc mặt, lời nói, hành động thì chúng cũng dễ bắt chước theo.

Di truyền

Có hai khu vực trong não trực tiếp điều chỉnh hoặc ảnh hưởng đến sự nóng tính, đó là Hạch hạnh nhân và Vùng dưới đồi. Kích thích hạch hạnh nhân dẫn đến gia tăng hành vi nóng tính, trong khi các tổn thương của khu vực này làm giảm đáng kể động lực cạnh tranh và gây hấn của một người.

Vùng dưới đồi đã được chứng minh là nguyên nhân gây ra hành vi hung hăng khi được kích thích bằng điện, nhưng quan trọng hơn là nó có các thụ thể giúp xác định mức độ nóng tính dựa trên sự tương tác của chúng với serotonin và vasopressin (hoóc môn chống bài niệu).

Sự hình thành não bộ cùng với sự phân chia các vùng não và hoạt động chức năng của chúng có sự chi phối của gen.

Gen di truyền đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển và sinh bệnh học của các hành vi nóng tính. Một số gen ảnh hưởng như:

  • Gen Monoamine oxidase A (MAOA) điều khiển cơ thể tạo ra một phân tử protein phân giải các chất truyền tin hoá học như Adrenaline, Noradrenaline, Serotonin và Dopamine trong não. Gen MAOA có liên quan đến một số khía cạnh như lo lắng xã hội và gây hấn chủ yếu ở nam giới. Monoamine oxidase A thường được biết đến với tên gọi “gen chiến binh”.
  • Có một vài phiên bản gen MAOA có liên quan đến gia tăng sự hung hăng và bạo lực. Trong một môi trường lành tính, người mang các biến thể đó hoạt động bình thường mà không có bất kỳ biểu hiện nào.
  • Gen CRHR1 mã hóa cho một hoóc môn liên quan đến đáp ứng căng thẳng. Hoóc môn này được giải phóng ở vùng dưới đồi, nơi “kiểm soát nóng tính” trong não bộ, và tạo ra một loạt các sự kiện dẫn đến việc sản xuất cortisol, “hoóc môn căng thẳng”. Điều này đặt cơ thể vào chế độ “chiến hay chạy”, sẵn sàng chiến đấu hoặc bỏ chạy.

Tác hại đối với sức khỏe khi thường xuyên tức giận

Trong cuộc sống, chúng ta khó tránh khỏi những cơn nóng giận. Tức giận không chỉ nguy cơ phá vỡ các mối quan hệ, làm xấu đi hình ảnh của bản thân, mà còn có thể gây ra hàng loạt các tác hại đối với sức khỏe.

Tức giận gây hại cho tim

Tổn thương nguy hiểm nhất về thể chất chính là những tác động ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn. Trong vòng hai giờ đồng hồ khi cơn thịnh nộ bùng phát, nguy cơ gây nên một cơn đau tim có thể tăng gấp hai lần. Lượng huyết dịch về tim khi tức giận sẽ chuyển rất nhiều lên não và phần mặt (mặt đỏ, nóng), do đó, lượng huyết dịch cần thiết cho vận hành của tim sẽ giảm đi. Đây là nguyên nhân gây ra hiện tượng thiếu oxy lên tim, làm cho tim co bóp không còn nhịp nhàng như bình thường nữa, có thể gián tiếp dẫn đến bệnh mạch vành hoặc bệnh cơ tim.

Gây tổn thương cho gan

Khi ta nóng giận, tự khắc cơ thể sẽ sản sinh ra chất “catecholamine”, cùng với ảnh hưởng từ hệ thần kinh trung ương, khi đó, lượng đường huyết trong cơ thể sẽ tăng lên rất cao, từ đó axit béo, độc tố gây hại cho gan và huyết dịch cũng không ngừng được tăng lên.

Khiến não nhanh lão hóa

Khi tức giận, não sẽ phải chịu rất nhiều áp lực từ lượng huyết dịch ngày càng đổ rất nhiều về đây, điều này khiến cho lượng huyết dịch trong não tỉ lệ nghịch với lượng oxy cần thiết, gây hại cho não.

Tổn thương dạ dày

Khi tức giận, tim sẽ tác động cùng với huyết quản, khiến cho lượng máu trong dạ dày và đường ruột giảm mạnh, làm mất cảm giác ngon miệng và thậm chí còn là nguyên nhân gây ra viêm loét dạ dày.

Tổn thương phổi

Khi tức giận, cơ thể sẽ thở nhanh và gấp hơn bình thường, phổi phải hoán đổi khí trong một tần suất quá cao. Lúc này, bao phổi không ngừng khuếch trương, thời gian thu co giảm xuống liên tục, do đó, phổi sẽ không có thời gian điều hòa, nghỉ ngơi mà phải làm việc liên tục. Đây là một nguyên nhân quan trọng gây ra những tổn thương cho lá phổi.

Hệ thống miễn dịch bị tổn thương

Khi tức giận cơ thể cũng sẽ tiết ra chất cortisol, nếu không kiềm chế được cơn tức giận, cơ thể sẽ liên tục tạo ra chất này và tích tụ trong một thời gian dài, gây ra vết thương cho hệ thống miễn dịch của bạn, khi đó sức đề kháng đối với các loại bệnh tật sẽ giảm đi, cơ thể sẽ yếu hơn, dẫn đến tăng nguy cơ nhiễm trùng và thậm chí cả ung thư.

Có rất nhiều cơ chế mà qua đó sự giận dữ thường xuyên có thể ảnh hưởng và thậm chí gây nguy hiểm cho sức khoẻ, bao gồm béo phì, đau nửa đầu, trầm cảm, lo âu, khó ngủ, cao huyết áp và đột quỵ, giảm chất lượng của các mối quan hệ, tăng khả năng bạo hành người khác về tình cảm hoặc thể chất hoặc cả hai…/.

Cách kiềm chế cảm xúc tức giận và làm chủ bản thân

Cách kiềm chế cảm xúc trong cuộc sống hiện tại bộn bề những lo toan, chúng ta cảm thấy luôn ẩn chứa bao nhiêu điều bức xúc, hay nóng giận mà nhiều khi dẫn đến những hành vi tổn thương cho người khác và cho chính bản thân mình. Bởi những hành vi bốc đồng, khả năng tập trung và cưỡng lại ham muốn nhất thời cũng như sự chấp nhặt, tức giận, bất ổn… trong quan hệ giao tiếp có tác động rất lớn đến mức thu nhập và địa vị xã hội.

Khi bạn nhận thức và kiểm soát được cảm xúc của bạn, bạn có thể suy nghĩ rõ ràng và sáng tạo, quản lý sự căng thẳng, tạo nên tự tin và dễ dàng giao tiếp tốt với người khác. Nhưng nếu không kiềm chế cảm xúc, bạn sẽ nhầm lẫn, cô lập và nghi ngờ.

Bằng cách học để nhận biết, quản lý và đối phó với cảm xúc của bạn, bạn sẽ tận hưởng nhiều hạnh phúc hơn và có nhiều mối quan hệ tốt hơn. Làm thế nào để kiềm chế được sự tức giận, chúng ta tham khảo những kỹ năng kiềm chế cảm xúc ngay sau đây để có được lời giải tốt hơn cho cuộc sống:

1. Nghĩ đến trách nhiệm bản thân

Khi gặp rắc rối, bạn thường tìm cách quy trách nhiệm cho người khác, từ ngữ đầu tiên trong tâm trạng bực tức, khó chịu với ai đó thường là: “Tại anh/chị…”. Tuy nhiên, nếu bạn nghĩ đến trách nhiệm của bản thân thì bạn sẽ tập trung để xử lý hơn là phàn nàn và đổ lỗi cho người khác. Hãy nghĩ tới: “Trong chuyện này, mình cũng có trách nhiệm, mình nên làm như thế này mới đúng… mình cần giúp đỡ mọi người…”.

2. Tránh suy nghĩ tiêu cực

Nếu nghĩ bi quan sẽ kéo theo các cảm xúc đi xuống mà qua thời gian sẽ làm tăng thêm căng thẳng và chán nản trong bạn. Vì thế bạn hãy thừa nhận cái thực tại, bù lại là sự khắc phục và lạc quan trong suy nghĩ: “Tôi đã làm gì sai? Tôi cần thay đổi như thế nào? À việc này cũng không đến nõi kinh khủng như mình nghĩ, mình có thể làm tốt hơn…” Khi mặt tích cực xuất hiện, bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn.

3. Tập trung vào vấn đề cần giải quyết hơn là tranh cãi

Con người không ai hoàn hảo và ai cũng có thể mắc những sai lầm. Cho dù bạn có tức giận, trách mắngnhững lỗi lầm của người khác thì cả bạn và họ cũng không giải quyết được vấn đề. Tốt hơn là dừng ngay việc phàn nàn và đổ lỗi cho người khác và ưu tiên cùng nhau trước mắt tìm phương án giải quyết để hạn chế hậu quả của vấn đề có thể gây ra.

4. Không giữ thù hận hay ác cảm

Trong tâm mang thù hận hay ác cảm với ai đó, không những làm tiêu hao năng lượng và thời gian mà còn làm vẩn đục tư tưởng của bạn, thậm chí đẩy bạn xuống mức thấp nhất của cảm xúc tiêu cực. Hãy để mọi thứ qua đi. Tha thứ, quên đi quá khứ và thoát khỏi hố sâu của hận thù mà chỉ nghĩ về một tương lai hạnh phúc ở phía trước đang chờ đón bạn.

5. Không gửi email trong cơn giận dữ

Trong lúc tức giận, chắc chắn bạn sẽ viết ra những điều không mấy tốt đẹp và có thể gây thương tổn cho người khác, thậm chí còn phá hỏng sự nghiệp của bạn. Vì vậy tốt hơn hết là nên để tâm trạng bình tĩnh hơn, sau đó mới giải quyết công việc tiếp.

6. Viết ra giấy những gì tốt đẹp

Thay vì nổi giận với một ai đó, hãy bình tâm lại, cố gắng tìm một không gian yên tĩnh để trấn tĩnh lại và viết ra những điều tốt đẹp người đó làm cho bạn. Hãy tìm ra những lý do mà bạn biết ơn người đó. Đánh giá lỗi lầm một cách khách quan là cách đối xử công bằng với họ và với cả bản thân chúng ta.

7. Học cách đối mặt với khó khăn

Nếu bạn biết trước bạn sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn và thử thách trong thời gian sắp tới, thay vì trốn tránh hãy tìm cách để đối mặt với chúng
Và hãy tập tranh luận để khi vào tình huống thực sự, bạn có thể kiềm chế được những cảm xúc của mình.

8. Bình tĩnh trong mọi tình huống

Mất bình tĩnh có thể làm bạn nổi cáu, cãi nhau, thậm chí đánh nhau với người khác… Vì vậy khi gặp những thử thách, khó khăn, bạn hãy suy nghĩ để tìm cách giải quyết những khó khăn đó.
Cần tỉnh táo để nhìn nhận vấn đề một cách toàn diện, đầy đủ nhất. Đừng bao giờ chỉ nhìn nhận vấn đề theo một hướng, để rồi bạn sẽ chỉ nhận thấy sai lầm ở người khác mà không nhận ra những hạn chế ở chính mình.

9. Học cách nhìn nhận lại

Đôi lúc bạn sẽ cảm thấy thực sự tức giận, bạn hãy nhìn lại xem lý do khiến bạn tức giận. hãy thử nghĩ xem sự tức giận đó có thể gây ra những hậu quả gì. Điều này sẽ giúp bạn giảm bớt sự tức giận tránh được những hành động không hay.

10. Học cách giải tỏa cảm xúc

Kiềm chế cảm xúc quá nhiều sẽ ảnh hưởng tới sức khỏe của bạn. Bản thân tự giải tỏa cơn tức giận trước khi đối diện để nó không có cơ hội bùng lên mạnh hơn. Vậy nên bạn hãy tìm cách kiềm chế cảm xúc cho bản thân nhé!

• Thường xuyên chia sẻ những cảm xúc của bạn với người bạn thực sự tin tưởng, đó có thể là bạn thân, đó có thể là gia đình, đó có thể là mẹ…

• Tập thể dục thường xuyên làm tăng sức lực cho cơ thể và hỗ trợ bộ não tập trung, giúp bạn kiểm soát được cơn nóng giận. Ngoài ra còn làm giảm nguy cơ hành động, lời nói, cử chỉ quá mức bình thường.

• Nếu bạn là người mau nước mắt hay để bộc lộ cảm xúc hãy nghĩ đến những câu chuyện hài hước, nghĩ đến chuyện vui bạn đã từng trải qua, hãy uống một cái gì đó thật lạnh… Nó sẽ giúp bạn kiềm chế cảm xúccủa mình tốt hơn.

• Thiền định: Stress và lo lắng là nguyên nhân của sự tức giận, thiền định có thể giúp bạn giảm bớt những điều này một cách tối đa.

• Và nếu bạn chưa thực sự tin tưởng ai, hãy tập cho mình thói quen viết nhật ký. Nhật ký là một hình thức khác lành mạnh để kiềm chế cảm xúc của bạn. Đây là nơi tuyệt vời để giải thoát các ý tưởng, cảm xúc tiêu cực mà không làm tổn thương bất cứ ai. Bạn có thể học cách tự “viết ra” trong tâm trí của mình những cảm xúc… và “đọc” nó, nghĩa là “dõi theo” nó. Đó chính là lắng nghe tiếng nói bên trong để nhận biết và hiểu rõ cảm xúc bản thân.

• Trong xã hội đầy phức tạp và cạnh tranh này nếu bạn biết kiềm chế cảm xúc và kiểm soát chế ngự để làm chủ bản thân mình là bạn đã đạt đến 50% của sự thành công trong tương lai. Tục ngữ Việt Nam có câu: “cả giận sẽ mất khôn”. Đúng vậy, ai trong chúng ta cũng đều nhận thức được hậu quả của việc không giữ được bình tĩnhvà mất lý trí do nông nổi nhất thời. Cách chúng ta có thể vượt qua được chính là hiểu rõ và kiểm chế cảm xúc của mình.

• Vậy bạn hãy học cách kiềm chế cảm xúc ngay từ bây giờ để khi thời gian trôi qua, bạn không phải hối tiếc:“Phải chi lúc ấy tôi đừng quá nóng giận”.